Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội xây thêm 16 trường THPT công lập mới, trong đó có KĐT Thanh Hà
12/07/2023

Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội xây thêm 16 trường THPT công lập mới, trong đó có KĐT Thanh Hà

Kinhtedothi – Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đã nỗ lực đảm bảo 60% học sinh vào học tại các trường THPT công lập. Bên cạnh công tác dự báo, TP kịp thời đưa ra những giải pháp căn cơ để đảm bảo đủ chỗ học, trong đó có việc xây thêm 16 trường THPT mới.

Chú trọng đầu tư cho giáo dục

Số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2022 - 2023, toàn TP có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 250 học sinh so với năm học 2021 – 2022). Dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tiếp tục tăng mạnh.

 

Cụ thể: Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh (tăng khoảng 5.732 em so với năm học 2023-2024). Năm học 2025-2026, dự kiến có khoảng 129.890 học sinh (tăng khoảng 680 em so với năm học 2023-2024). Năm học 2026-2027, dự kiến có khoảng 151.710 học sinh (tăng khoảng 22.500 em so với năm học 2023-2024).

Về quy mô các trường THPT công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản): Đến năm học 2024-2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024); năm học 2025-2026, có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024); năm học 2026-2027, có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).

Trước tình hình trên, UBND TP có Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp sau. Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.

Với 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT gồm có: THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); THPT Uy Nỗ, THPT Nguyên Khê và THPT Việt Hùng (tại huyện Đông Anh); Trường Phổ thông chuyên biệt cho trẻ khuyết tật TP; xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học có diện tích tối thiểu 5 ha (tại các quận, huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Hà Đông); dự án trường THPT tại ô đất B2.5- THPT01 Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê; trường THPT Trung tâm đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn.

Thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, UBND TP đã giao UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường THPT; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT.

UBND TP chỉ đạo đến hết năm 2023 các quận, huyện, thị xã phải hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ các dự án trường THPT trong danh mục đầu tư tại Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP.

Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND TP, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.

7 giải pháp căn cơ

Nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em Nhân dân tại Hà Nội trong năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 7 giải pháp căn cơ.

Đô thị Văn Phú | Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội xây thêm 16 trường THPT công lập mới
Học sinh khối 10 Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ - Thanh Xuân

Trước hết là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư cổng trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 của HĐND TP,  Nghị quyết 02/NQ- HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP và Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP.

 

 

 

Hà Nội tích cực rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa địa bàn, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.

Tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn TP đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp.

Hà Nội ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường Cao đẳng và trường Đại học ra khởi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

TP tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn nhằm điều hòa hợp lý chỗ học.

Cùng với đó, TP cần tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hóa.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài nhằm giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.

Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh tại Hà Nội

Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn TP trong thời gian tới được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, Sở GD&ĐT  đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024.

Cụ thể, cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Bộ xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.

Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND TP và các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên  (GDNN- GDTX) công lập.

Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ của trung tâm GDNN-GDTX trong tình hình mới; đó là đầu tư, phát triển trung tâm GDNN- GDTX thành trung tâm đào tạo học tập suốt đời, chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô; định hướng phát triển giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp giống hệ thống giáo dục của một số nước, có thể liên thông lên đại học.

Báo giá nhà ở đô thị Thanh Hà Mường Thanh - Cienco 5