Từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị sửa quyết định 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây để “biến” hơn 182ha đất của Công ty cổ phần Cienco5 Land thành đất của Tổng Công ty công trình giao thông 5. Quyết định không sai nhưng vẫn được đề nghị "sửa" đã đem lại lợi ích cho nhóm doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội.
Ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành các quyết định hành chính về việc thu hồi đất để giao cho Công ty cổ phần Cienco5 Land thực hiện 3 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Hà Tây nhằm thu hồi vốn thực hiện dự án BT đường trục phía Nam Hà Tây, trong đó có Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 1.829.433m2 đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Căn cứ thu hồi đất và giao đất cho Công ty cổ phần Cienco5 Land là Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) ký ngày 18/4/2008 giữa Tổng Công ty công trình giao thông 5 (nhà đầu tư), Công ty cổ phần Cienco5 Land (doanh nghiệp dự án) với Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tây về việc thực hiện dự án đường trục phía Nam có chiều dài 41,5km, đi qua các huyện, thị gồm Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Theo Hợp đồng BT, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Cienco5 Land có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng BT; chịu trách nhiệm trước Nhà đầu tư (Tổng Công ty công trình giao thông 5) và liên đới cùng Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và pháp luật về việc thực hiện dự án.
Ngoài ra, phía nhà đầu tư thực hiện dự án BT là Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Cienco5 Land đã ký Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ về việc thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với nội dung Công ty cổ phần Cienco5 Land chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đầu tư, xây dựng và kinh doanh Hợp đồng BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.
Công ty cổ phần Cienco5 Land có quyền và nghĩa vụ thực của doanh nghiệp dự án theo Hợp đồng BT và phải thanh toán cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 mức lợi nhuận khoán đã thỏa thuận, cùng toàn bộ các khoản phí mà Tổng Công ty công trình giao thông 5 đã đầu tư vào dự án cho đến thời điểm ký hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ. Thực tế, Công ty cổ phần Cienco5 Land đã thanh toán cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 số tiền lợi nhuận khoán là 131,7 tỷ đồng.
Năm 2016, Tổng Công ty công trình giao thông 5 thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Nhóm nhà đầu tư, trong đó có Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát đã mua gần 55% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty công trình giao thông 5.
Cũng tại thời điểm này, cổ đông của Công ty cổ phần Cienco5 Land đã chuyển nhượng 95% cổ phần phổ thông cho Tập đoàn Mường Thanh. Tập đoàn Mường Thanh làm chủ Công ty cổ phần Cienco5 Land, doanh nghiệp đang là chủ đầu tư dự án đường trục phía Nam và 3 dự án hoàn vốn.
Công ty Hải Phát dù nắm được Tổng Công ty công trình giao thông 5 (trước đây là công ty mẹ của Công ty cổ phần Cienco5 Land) nhưng lại không phải là chủ đầu tư các dự án bất động sản dọc theo đường trục phía Nam nên doanh nghiệp bất động sản này gần như "trắng tay" khi có ý định mua Tổng Công ty công trình giao thông 5 nhằm thâu tóm 3 dự án bất động sản dọc đường trục phía Nam.
Điều này đã dẫn đến tranh chấp về quyền “chủ đầu tư” dự án đường trục phía Nam và 3 dự án hoàn vốn. Tổng công ty Công trình giao thông 5 cho rằng, Tổng Công ty là “nhà đầu tư” nên phải là chủ đầu tư dự án đường trục và các dự án hoàn vốn. Đồng thời doanh nghiệp này cho rằng, UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 là không đúng chủ thể.
Ngược lại, Công ty cổ phần Cienco5 Land là doanh nghiệp dự án, được Nhà nước giao đất để thực hiện Dự án BT đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn lại có căn cứ pháp lý và thực tế để khẳng định quyền của chủ đầu tư các dự án này.
Tranh chấp được hóa giải khi hai bên đạt được các thỏa thuận về thực hiện dự án. Theo đó, Công ty cổ phần Cienco5 Land đồng ý chuyển giao 3ha đất nền cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (cổ đông lớn của Tổng Công ty công trình giao thông 5) và thỏa thuận để Tổng Công ty công trình giao thông 5 thực hiện dự án đường trục phía Nam phân đoạn 2 (từ Km20+300 đến Km41+500) và dự án khu đô thị Mỹ Hưng, với điều kiện hai bên không còn tranh chấp gì liên quan đến các dự án bất động sản tại Khu đô thị Thanh Hà mà Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 đang thực hiện quyền chủ đầu tư.
Sau khi ký thỏa thuận này, hai công ty trước đây có quan hệ kiểu “mẹ-con” đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội để hướng dẫn thủ tục liên quan đến việc chuyển quyền đầu tư.
Trong đó, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có văn bản gửi hai đơn vị này và nêu rõ, thỏa thuận nội bộ của hai công ty làm thay đổi nội dung Hợp đồng BT theo hướng để Tổng công ty thực hiện dự án nên phải trình UBND TP đồng ý điều chỉnh nội dung Hợp đồng BT.
Trong lúc thủ tục chưa xong, Tổng Công ty công trình giao thông 5 đã “phá” thỏa thuận bằng việc gửi văn bản đến các cơ quan chức năng yêu cầu không được điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Thanh Hà.
Đồng thời, doanh nghiệp này ngấm ngầm đề nghị điều chỉnh việc giao đất bằng việc “sửa” quyết định giao đất khu đô thị Mỹ Hưng từ Công ty cổ phần Địa ốc Cienco 5 sang Tổng Công ty công trình giao thông 5. Và kết quả, ngày 25/11/2020, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 5260 sửa nội dung quan trọng nhất của quyết định 3128 ngày 30/7/2008 là chủ thể được giao đất thực hiện dự án.
Bằng việc sửa quyết định chưa có tiền lệ này, Hà Nội đã lấy đất của doanh nghiệp này (Công ty cổ phần Cienco5 Land) giao cho doanh nghiệp khác (Tổng Công ty công trình giao thông 5) mà không theo quy định của Luật Đất đai.
Điều rất lạ là trong các tờ trình mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình UBND TP đề nghị sửa quyết định 3128 không hề có căn cứ nào thể hiện quyết định 3128 sai cần phải sửa hoặc theo thỏa thuận của hai công ty như nội dung của Sở Tư pháp nêu.
Trong các tờ trình, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, căn cứ để sửa quyết định giao đất chỉ là do Tổng công ty công trình giao thông 5 đổi tên thành công ty cổ phần.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn viện dẫn đề nghị của Tổng công ty công trình giao thông 5. Như vậy, căn cứ pháp lý quan trọng là Hợp đồng BT cũng như sự đồng ý của Công ty cổ phần Cienco5 Land hoàn toàn không có. Đây chính là những nghi vấn về dấu hiệu nhóm lợi ích trong vụ sửa quyết định không có tiền lệ này.
Với việc làm có nguy cơ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội cần phải xem xét lại quyết định “sửa” đúng thành sai và xử lý nghiêm đối với những công chức đã tham mưu cho TP ra quyết định gây sốc cho doanh nghiệp.
Tháng 06/2024 Bất động sản Vuông cơ sở Thanh Hà xin gửi tới quý khách hàng Bảng giá bán nhà liền kề biệt thự khu đô thị Thanh Hà được cập nhật liên tục, sắp xếp khoa học, giúp quý ...
Bất động sản Vuông chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng trong thời gian vừa qua, chúng tôi xin gửi tới Quý khách bảng giá liền kề biệt thự Thanh Hà Cập nhật mới ...
(SAU KHI CÓ THÔNG BÁO SỐ 502/TB-VP CỦA UBND TP HÀ NỘI VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ CT UBND THÀNH PHỐ ĐÃ THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG XỬ LÝ SAI PHẠM CỦA KĐT THANH HÀ A, THANH ...