Những điều khó hiểu ở dự án Công viên nước Thanh Hà
30/05/2020

Những điều khó hiểu ở dự án Công viên nước Thanh Hà

Các chuyên gia cho rằng việc Công viên nước Thanh Hà xây không phép rồi bị phá bỏ tan hoang đã phơi bày nhiều bất cập trong quản lý, xử lý vi phạm xây dựng ở Hà Nội.

 

Trong kết luận thanh tra vừa ban hành, Thanh tra Hà Nội xác định chính quyền và chủ đầu tư đều có vi phạm trong xây dựng, xử lý dự án không phép Công viên nước Thanh Hà ở phường Phú Lương, quận Hà Đông. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc dự án cả trăm tỷ, quy mô vài héc-ta xây dựng không phép đi vào hoạt động rồi xảy ra tai nạn chết người.

Nhìn dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia nói rằng vi phạm ở Công viên nước Thanh Hà đã phơi bày nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở thủ đô, bao gồm trách nhiệm của cán bộ công vụ.

'Nói họ xây không phép không ai tin'

Thanh tra Hà Nội xác định chủ đầu tư đã xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên diện tích đất không đúng quy hoạch và sử dụng đất không đúng mục đích.

Trao đổi với Zing, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, dùng từ "khó hiểu" để nói về cách quản lý của chính quyền quận Hà Đông. Lỗi đầu tiên vẫn là từ phía chủ đầu tư nhưng để chủ đầu tư sai phạm nghiêm trọng, trong thời gian dài như vậy thì cần đặt câu hỏi về vai trò chính quyền.

"Điều rất ngạc nhiên là chủ đầu tư xây hàng tháng trời, chính quyền quận Hà Đông mới phát hiện họ xây sai quy hoạch. Tức là họ không nắm được bản vẽ quy hoạch, không biết được dự án này ở ô đất nào, diện tích bao nhiêu", ông Tùng nói và cho rằng nếu không phải nhận thức pháp luật, trình độ kém thì đây là sự chểnh mảng, thiếu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tiến hành xây dựng trên quy mô lớn như thế mà không hề có giấy phép là rất khó hiểu. "Công trình trị giá mấy trăm tỷ, đến lúc kiểm tra mới phát hiện ra không có giấy phép. Cái này nói có khi người ta không tin", vị chuyên gia bình luận.

 


Công trình khởi công sau vài tháng mới bị phát hiện xây dựng không phép.

GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thì đề cập đến thực trạng thực trạng chủ đầu tư các dự án xây dựng có biểu hiện "nhờn luật", lách luật để tối đa hóa lợi ích. 

Ông cho rằng dự án Công viên nước Thanh Hà và 8B Lê Trực đều có điểm chung là không quản lý chặt từ đầu nên dẫn đến sai phạm. Đến lúc phải phá dỡ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan quản lý Nhà nước, bức xúc trong dư luận.

"Sở Xây dựng là đơn vị chuyên môn phải biết, tại sao lại để sai phạm nghiêm trọng như vậy. Công trình liên quan đến bể bơi, trò chơi mạo hiểm có nghiệm thu đảm bảo an toàn chưa", ông Liên đặt câu hỏi và cho rằng các vấn đề này chưa được làm rõ.

Phá dỡ hay là đập phá?

Theo kết luận của Thanh tra Hà Nội, công viên nước bao gồm 19 hạng mục giá trị lớn (theo chủ đầu tư là hơn 142 tỷ đồng), trong đó có 7 hạng mục công trình có kết cấu khung thép, nhựa lắp ghép có thể tháo dỡ được.

Công ty Tư vấn đầu tư phát triển An Phát là đơn vị được quận Hà Đông chỉ định lập phương án phá dỡ. Phương án đưa ra là dùng máy xúc tháo dỡ cả 19 hạng mục của công trình.

"UBND quận phê duyệt phương án phá dỡ theo đề xuất của Công ty An Phát (tháo dỡ bằng máy xúc) là thiếu thận trọng, dẫn đến dẫn đến tổ chức cưỡng chế phá dỡ cả 7 hạng mục này gây bức xúc cho nhà đầu tư, băn khoăn cho dư luận", kết luận nêu.

Cảnh hoang tàn của công viên nước sau phá dỡ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho rằng phá dỡ là công việc phức tạp, nhiều rủi ro, đòi hỏi phải có phương án, kế hoạch được thẩm định. Nhà thầu thực hiện phá dỡ cũng phải được chọn thông qua đấu thầu, nếu chỉ định thầu thì cũng phải đủ điều kiện năng lực và phải được cơ quan chức năng thẩm định.

Ông Liên nói quận Hà Đông phê duyệt phương án phá dỡ bằng máy ủi như vậy là quá vội vàng, nó hủy hoại toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, biến hàng trăm tỷ đồng thành đống sắt vụn vô cùng lãng phí, thiệt hại cho xã hội. "Quận nên đấu thầu để tìm đơn vị tư vấn, thi công có năng lực phá dỡ, từ đó chọn ra giải pháp tối ưu nhất", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Còn KTS Phạm Thanh Tùng thì cho rằng đối với công trình kiến trúc, bộ phận nào không thể tháo dỡ được thì mới phá, phá cũng phải rất thận trọng vì đó là tài sản. 

"Hạng mục ở Công viên nước Thanh Hà phần lớn là các thiết bị có thể tháo lắp, tái sử dụng được. Thậm chí cây xanh ở công viên nước hoàn toàn có thể bứng đi trồng chỗ khác được. Vậy mà họ dùng xe xúc để san ủi, để lại một bãi chiến trường gây phản cảm cho xã hội, để lại ấn tượng xấu trong mắt các nhà đầu tư đối với Hà Nội", ông Tùng nói và đặt câu hỏi tại sao những tài sản đó không được xung công, bán đấu giá, thu lợi về cho Nhà nước, thậm chí đưa đến lắp đặt ở các nơi chưa có khu vui chơi cho trẻ em?

Phải công khai quy hoạch

Đánh giá kết luận của Thanh tra Hà Nội đúng và xác đáng nhưng KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh vẫn cần làm rõ các lỗ hổng về luật, cũng như quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý đô thị, xây dựng ở địa phương. Bên cạnh đó, các quyết định giao đất cần phải rõ ràng các khái niệm: Không gian công cộng, cây xanh, đường đi chung, riêng...

Ngoài ra, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng phải nâng cao năng lực của phòng quản lý đô thị cấp quận, các đội quản lý trật tự xây dựng. Lực lượng chức năng phải hiểu, nắm rõ quy hoạch, quy định, luật thì mới kiểm tra, giám sát được.

"Quản lý ở khu vực nào phải nắm rõ khu vực đó, các quy hoạch cũng cần công khai. Lô đất này phân cho dự án nào, diện tích bao nhiêu, chủ đầu tư là ai phải công khai hết. Càng công khai thì chủ đầu tư càng không dám làm sai", ông Tùng nói.


Chủ tịch, phó chủ tịch quận Hà Đông bị đề nghị xử lý trách nhiệm do sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà.

Từ sự việc gần đây, GS Nguyễn Văn Liên cho rằng cách quản lý xây dựng, quy hoạch ở Hà Nội đang thực sự có vấn đề. Những dự án như 8B Lê Trực hay Công viên nước Thanh Hà đang làm xấu đi diện mạo của thủ đô cũng như ảnh hưởng lớn đến uy tín chính quyền.

"Chủ đầu tư mục đích đầu tiên là lợi nhuận, nhiệm vụ cơ quan quản lý là phải kiểm tra, giám sát bắt họ làm đúng luật, làm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và của người dân, thành phố. Nguyên tắc 'win-win', thành phố được lợi, nhưng chủ đầu tư cũng phải có lãi mới thu hút được đầu tư", ông Liên nhìn nhận.

Thanh tra Hà Nội nhận định UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông và Đội trật tự xây dựng quận Hà Đông (TTXD) chịu trách nhiệm về sai phạm tại Công viện nước Thanh Hà.

Thanh tra Hà Nội xác định sai phạm trên của UBND quận dẫn đến công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ; gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nội vụ căn cứ quy định pháp luật và Kết luận thanh tra, tham mưu UBND thành phố xử lý trách nhiệm ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận và Chủ tịch UBND quận Hà Đông.


Báo giá nhà ở đô thị Thanh Hà Mường Thanh - Cienco 5