Thâu tóm Cienco5 Land bất thành, cổ đông Hải Phát 'quậy' Cienco5
07/07/2016

Thâu tóm Cienco5 Land bất thành, cổ đông Hải Phát 'quậy' Cienco5

Thời gian gần đây, sau khi Nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thì doanh nghiệp đã xảy ra một cuộc chiến giữa các cổ đông và khơi mào cho cuộc chiến đó chính là Công ty CP Hải Phát, một cổ đông mới của Cienco 5. Nguyên nhân thật sự đằng sau vụ lùm xùm này là gì?

Thau tom Cienco5 Land bat thanh, co dong Hai Phat 'quay' Cienco5 - Anh 1

Dự án Thanh Hà, món hàng mua hụt của Công ty Hải Phát

Thâu tóm công ty con bất thành...

Cienco 5 là doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trụ sở chính tại TP Đà Nẵng. Ngành nghề chính của Cty là xây dựng công trình giao thông, nhưng Cienco 5 lại hấp dẫn các đại gia bất động sản vì có dự án Thanh Hà thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Do vậy, khi Cienco 5 thực hiện việc thoái vốn nhà nước, một số doanh nghiệp bất động sản đã dành sự quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, để thâu tóm được dự án Thanh Hà thì bất cứ chủ đầu tư nào cũng phải thâu tóm được Cty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), một doanh nghiệp mà Cienco 5 chỉ có 5% cổ phần. Do đó, bước đi của các nhà đầu tư muốn thâu tóm dự án Thanh Hà chính là sở hữu cổ phần Cienco5 và cổ phần tại Cienco 5 Land.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2014, Cienco 5 đã thực hiện việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Cty cổ phần với 3 cổ đông lớn là cổ đông nhà nước do Bộ GTVT làm đại diện quản lý vốn, chiếm hơn 63%, Cty Nam Trí nắm giữ 15,5%, Cty CP Việt Phương chiếm 15,5%. Nhóm cổ đông nhỏ lẻ khác chỉ chiếm hơn 5,8% cổ phần.

Từ năm 2015, Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại Cienco 5 và Cty CP Hải Phát đã mua được 23,18% vốn điều lệ của Cienco 5 trong đợt chào bán cổ phần tháng 3/2016. Cty Hải Phát chính thức đăng ký sở hữu cổ phần và có tên trong sổ đăng ký cổ đông vào ngày 25/3/2016.

Ngoài việc mua số cổ phần trên của cổ đông nhà nước, Cty Hải Phát còn mua lại 15,5% cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là Công ty Nam Trí. Giao dịch bị cho là đã vi phạm quy định của Nghị định 79/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Cty CP, trong đó quy định nhà đầu tư chiến lược phải gắn bó với Cty tối thiểu 5 năm.

Việc mua được cổ phần của Cienco 5 chỉ là bước cần để đi đến cái đích là dự án bất động sản Thanh Hà, Hà Đông. Nhưng để trở thành chủ nhân của dự án này, điều kiện bắt buộc là phải nắm được cổ phần chi phối trong Cienco 5 Land, trong khi Cienco 5 chỉ nắm giữ 5% cổ phần tại doanh nghiệp bất động sản này.

Theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, Cty Hải Phát cũng đã đàm phán để mua lại cổ phần của cổ đông lớn tại Cienco 5 Land nhưng bất thành. Kết quả là 95% cổ phần tại Cienco 5 Land đã rơi vào tay những ông chủ khác (Tập đoàn Mường Thanh). Điều này đồng nghĩa với việc, Cienco 5 đã mất quyền chi phối đối với dự án bất động sản Thanh Hà.

Cổ đông mới gây bất ổn cho Cienco 5

Thất bại trong việc thâu tóm dự án bất động sản Thanh Hà, các cổ đông của Cienco 5 bắt đầu quay sang “quậy” Cienco 5 và Cienco5 Land bằng một loạt các hoạt động có thể khiến cho nội bộ của Cienco 5 bất ổn, đặc biệt là quyền lợi của cổ đông nhà nước có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hành động đầu tiên cho thấy những nỗ lực của nhóm cổ đông mới của Cienco 5 nhằm cứu vãn tình thế tại Cienco5 Land là việc các cổ đông này yêu cầu xem xét lại việc tăng vốn của Cienco5 Land và việc chuyển nhượng cổ phần của Cienco 5 tại Cienco 5 Land cách đây nhiều năm. Năm 2007, khi mới thành lập thì Cienco 5 Land là một Cty con do Cienco 5 thành lập để thực hiện dự án bất động sản Thanh Hà, với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 nắm giữ 49% cổ phần.

Năm 2009, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng nhưng thời điểm này, Cienco 5 không đầu tư thêm vốn vào Cty con này mà lại thực hiện thoái vốn xuống còn 5 tỷ đồng, tương đương với 5 % cổ phần. Năm 2010 đến nay, Cty tiếp tục tăng vốn lên 200 tỷ đồng nhưng vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land vẫn chỉ giữ ở mức 5% vốn điều lệ.

Khi không mua cổ phần của Cienco 5 Land vào tháng 4/2016, nguy cơ mất dự án Thanh Hà đã trở nên rõ ràng nên nhóm cổ đông do Cty Hải Phát đứng đầu đã có văn bản gửi cơ quan chức năng yêu cầu xem xét lại việc tăng vốn tại Cienco 5 Land, đồng thời HĐQT của Cienco 5 đã có văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc hủy bỏ các quyết định, nghị quyết của về tăng vốn của Cienco 5 Land năm 2009. Mục đích của việc làm này là để cổ phần của Cienco 5 tại Cienco 5 Land trở về với con số 49% như khi mới thành lập năm 2007 nhằm vãn hồi thất bại trong việc thâu tóm bất thành hồi tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, hành động trên của các cổ đông mới của Cienco 5 là không hợp pháp và không thể “đảo chiều” việc chuyển nhượng vốn đã an bài cách đây 7 năm. Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Cty Luật Trí Minh, việc tăng vốn của Cienco 5 Land năm 2009 và năm 2010 được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên việc Cienco 5 có tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết, quyết định về tăng vốn cho Cty con, thoái vốn công ty mẹ cách đây 7 năm cũng không thay đổi được tình thế. Việc làm này chỉ cho thấy sự “cay cú” vì thất bại trong việc thâu tóm dự án Thanh Hà của cổ đông này.

Ngoài ra, những việc làm khác của nhóm cổ đông Hải Phát cũng được cho là đe dọa gây bất ổn về nội bộ của Cienco 5. Trong đó, việc chuyển nhượng 15,5% cổ phần của nhà đầu tư chiến lược - Cty Nam Trí cho Cty Hải Phát được cho là trái với quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Cty CP.

Theo đó, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn tối thiểu là 5 năm. Cty Nam Trí là nhà đầu tư chiến lược, mới mua cổ phần của Cienco 5 được hơn 1 năm đã chuyển nhượng cho Cty Hải Phát là vi phạm nghiêm trọng quy định này. Việc Hải Phát sử dụng số cổ phần mua trái pháp luật này để đảo lộn cán cân quyền lực trong Cienco 5 có thể khơi mào các vụ kiện chống lại chính Hải Phát liên quan đến thương vụ mua bán cổ phần này.

Từ khi Cty Hải Phát mua CP tại Cienco 5 đã thực hiện một loạt các điều chỉnh điều lệ, bộ máy tổ chức của Cienco 5. Nhưng, việc sửa đổi điều lệ và thay đổi bộ máy quản lý của Cty đã bị Tổ công tác của Bộ GTVT đánh giá là trái pháp luật và đề nghị các cổ đông của Cienco 5 phải họp để “xử lý hậu quả”, đưa tình trạng của Cty về với thời điểm trước ngày 11/3/2016, trước khi xảy ra các sai phạm về sửa đổi điều lệ cũng như việc chuyển nhượng cổ phần và tổ chức lại bộ máy HĐQT không đúng pháp luật. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các số báo tiếp theo.

Bình Minh
Báo mới

Báo giá nhà ở đô thị Thanh Hà Mường Thanh - Cienco 5